LÊ LA LÀNG NGHỀ. BÉ NÊN ĐI 1 MÌNH HAY ĐI VỚI BA MẸ?

Chắc nhiều ba mẹ ở đây đã từng lâm vào hoàn cảnh, trong 1 chuyến đi du lịch với bé, đang trên đường đi thì xuất hiện 1 bụi mắc cỡ ven đường, và bé cương quyết ngồi xuống đụng cho từng chiếc lá cụp xuống rồi mới chịu đứng lên đi tiếp, cho dù ba mẹ sốt ruột đến chừng nào, lịch trình đã lên sẵn nhưng chỉ cần 2 bụi mắc cỡ thôi là đủ để phá vỡ lịch trình hoàn hảo đã đề ra. Cây mắc cỡ là cô chỉ lấy ví dụ thôi, chứ trên con đường thiên lý có 1001 thứ tuy nhỏ bé bình dị nhưng lại siêu hấp dẫn trong con mắt của các bé, những thứ này hoàn toàn không có trong lịch trình của người lớn. Vậy trong trường hợp này, thường các ba mẹ xử lý làm sao?

Còn ở Cánh Diều, các thầy cô khuyến khích để bé được tự do khám phá những điều mà các bé cảm thấy cuốn hút. Cô sẵn sàng bỏ 1 điểm du lịch nổi tiếng, cực kỳ hấp dẫn và nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử….chỉ để cho bé có được nửa tiếng đồng hồ ngồi đụng vào cây mắc cỡ, và có thể nửa tiếng nữa ngồi ngắm nhìn đàn kiến tha mồi quanh gốc cây. Bởi cô hiểu, chúng ta không thể áp đặt sở thích của mình lên trẻ. Trẻ con có góc nhìn hoàn toàn khác người lớn. Những điều mà chúng ta cảm thấy nhàm chán, trẻ lại thấy hấp dẫn. Và chỉ khi trẻ cảm thấy có hứng thú, trẻ mới có khả năng tập trung cao độ, tò mò, quan sát, và đặt câu hỏi. Hãy tập cách đi chậm lại, thậm chí dừng lại và ngắm nhìn thế giới giống như trẻ, chúng ta sẽ thấy quanh mình toàn những điều kỳ diệu và chẳng có điều nào mà không đáng để chúng ta tò mò, khám phá.

Bởi vì nhu cầu, sở thích của người lớn và trẻ nhỏ khác nhau, nên ở Cánh Diều, các thầy cô đã phát triển 2 dạng hoạt động khác nhau, 1 dạng dành cho cả gia đình, và 1 dạng chỉ dành cho trẻ không có ba mẹ đi kèm. Khi trẻ đi 1 mình cùng bạn bè, thầy cô, trẻ sẽ tập trung vào việc học tập hơn cũng như tăng tương tác với bạn bè, thầy cô. Và thêm nữa, chuyến đi chỉ có trẻ sẽ được triển khai theo đúng kiểu “Lê la”. Các thầy cô vẫn luôn soạn sẵn những lịch trình tỉ mỉ đến từng chi tiết, tuy nhiên trẻ mới là người quyết định các hoạt động trong chuyến đi. Cô và trò sẽ cùng nhau đi thật chậm, dừng lại bất kỳ đâu mà trẻ cảm thấy hứng thú để khám phá, hỏi đáp tất tần tật những thắc mắc của các bạn nhỏ về những điều “bình thường” nhưng không “tầm thường” xung quanh. Lịch trình cuối cùng có thể không trọn vẹn như đề ra ban đầu, nhưng chắc chắn sẽ là 1 ngày ý nghĩa với các bạn nhỏ.

Vì các lý do trên, hiện nay, với các lớp của chuỗi Lớp học không tường, Cánh Diều không khuyến khích ba mẹ đi cùng con. Qua 1 thời gian triển khai chuỗi Lê la làng nghề nhưng vẫn chưa ra đúng chất lê la, Cánh Diều mong muốn những chuyến đi tới sẽ khác hơn, theo đúng chuyến đi được thiết kế cho trẻ, vì trẻ.

Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều ba mẹ, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn rất mong muốn được đi theo con trong lớp Lê la làng nghề. Vậy cô mong ba mẹ nếu vẫn kiên quyết đi cùng bé, thì hãy suy nghĩ thật kỹ và chấp nhận kiểu đi “lê la” của lớp học này. Còn nếu mình không đủ kiên nhẫn, và cũng chưa đủ hứng thú để lê la, ba mẹ hãy yên tâm để bé đi 1 mình với các thầy cô nhé.

Thân mến./.

Learning in the Woods
288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7

#lelalangnghe#learninginthewoods#canhdieu #lophockhongtuong

NGÀY XUÂN, LẠM BÀN ĐÔI NÉT VỀ GIÁO DỤC XƯA, GIÁO DỤC NAY VÀ GIÁO DỤC CHO TƯƠNG LAI

Trong suốt lịch sử hàng nghìn năm, trên nhiều miền địa lý, môi trường giáo dục truyền thống quen thuộc là mô hình lấy giáo viên làm trung tâm, tức giáo viên sẽ là người hoàn toàn định hướng cho nội dung và phương pháp tiếp cận trong lớp học. Lớp học sẽ gồm có bàn ghế và những học sinh ngồi ngay ngắn nghiêm túc nghe thầy cô giảng bài, giữa 4 bức tường, cho dù đó là 1 ngày đẹp trời hay không.

Tuy nhiên thời đại đã đổi thay, có nhiều điều có thể từng phù hợp trong thời đại cũ ngày nay đã trở nên không phù hợp. Lấy ví dụ, ngày xưa khi máy tính chưa phổ biến, người ta đề cao việc học sinh nhớ thuộc lòng thật nhiều kiến thức. Tuy nhiên ở thời đại 4.0 bây giờ, mọi kiến thức kim cổ đều có thể tìm thấy trên mạng, việc nhớ thuộc lòng không còn được đề cao nữa. Hiện nay và trong tương lai sắp tới, các kỹ năng tối cần thiết cho trẻ là kỹ năng tìm kiếm thông tin, sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định và khả năng tự học suốt đời. Ngoài ra còn cần có khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm, cùng với đó là kỹ năng thích nghi với những biến động liên tục.Trong tình hình đó, mô hình lớp học truyền thống trong 4 bức tường với người giáo viên là trung tâm ngày càng trở nên yếu thế với nhiều điểm bất cập, dần nhường chỗ cho mô hình giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, trẻ sẽ được học trong môi trường tự nhiên rộng lớn và được giao quyền lớn nhất để quyết định mình sẽ học cái gì, học như thế nào. Người giáo viên, với những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm lâu năm, sẽ là những người bạn đồng hành đáng tin cậy và thú vị cho trẻ trong việc học lâu dài.

Bên cạnh đó, mô hình lớp học ngoài trời, phương pháp học tập bên ngoài lớp học cũng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và đồng tình. Những giá trị cốt lõi của lớp học ngoài trời lấy trẻ làm trung tâm mang lại cho trẻ và việc học tập của trẻ như là:

1. Sự thích thú của trẻ đối với việc học, kích thích trí tò mò: tất cả chúng ta, cho dù là trẻ nhỏ hay người lớn, chỉ có thể học tập hiệu quả nếu chúng ta cảm thấy có hứng thú. Môi trường ngoài trời với vô vàn điều bất ngờ, thú vị không thể đoán trước rõ ràng là vượt trội hơn môi trường bó buộc trong 4 bức tường trong việc kích thích hứng thú và trí tò mò cho mọi người, đặc biệt là với trẻ con. Vì sao những đứa trẻ sinh ra luôn luôn tò mò với mọi thứ, tuy nhiên càng lớn lên trí tò mò đó càng bị bào mòn? Một phần bởi vì chúng ta đã cảm thấy quá nhàm chán với môi trường xung quanh mình, không còn điều gì mới mẻ, bất ngờ nữa. Giữ cho những đứa trẻ luôn cảm thấy hứng thú với việc học, luôn luôn tò mò về thế giới xung quanh là điểm mạnh của các lớp học ngoài trời.

2. Sức khỏe thể chất: có câu nói: “Không có thời tiết xấu, chỉ có trang phục không phù hợp”. Tại các lớp học ngoài trời, trẻ được khuyến khích ra ngoài vui chơi học tập dưới mọi thời tiết, miễn là được trang bị trang phục phù hợp. Việc này đã được khoa học chứng minh đem lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe của trẻ. Hơn nữa, việc cho trẻ vận động liên tục, thật đáng ngạc nhiên lại giúp làm giảm sự tăng động ở rất nhiều trẻ. Ngày nay trẻ dành quá nhiều thời gian trong nhà, trước màn hình ti vi, lapotop, là 1 trong những lý do chính yếu khiến cho tỉ lệ các bệnh béo phì, tăng động giảm chú ý, cận thị… tăng cao.

3. Kỹ năng giải quyết rủi ro: một trong những rủi ro lớn nhất của trẻ con ngày nay, là các bé không có nhiều cơ hội tiếp cận với rủi ro và học cách xử lý những rủi ro đó. Môi trường lớp học ngoài trời rõ ràng là nhiều nguy cơ hơn trong nhà, tuy nhiên đó chính là cuộc sống thực tế và các bé cần được biết, được hiểu, được học cách xử lý. Người lớn không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn các rủi ro ra khỏi môi trường sống của trẻ (và điều này cũng không khả thi), thay vào đó hãy hướng dẫn trẻ cách vượt qua các rủi ro đó 1 cách an toàn.

4. Sự kết nối với thế giới thật bên ngoài, kỹ năng làm việc theo nhóm: sự phát triển chóng mặt của công nghệ và mạng xã hội trong những năm gần đây dẫn đến thực trạng nhiều bạn nhỏ dành quá nhiều thời gian để sống trong thế giới ảo mà không biết thế giới thật bên ngoài đang diễn ra như thế nào. Các bạn biết đến những con thỏ 2 chân mà chưa bao giờ nhìn thấy con thỏ 4 chân. Đó là một điều thiệt thòi cho trẻ, bởi vì trẻ bị mất đi cơ hội ngắm nhìn thấy thế giới xung quanh rộng lớn và tươi đẹp thế nào, và cũng rất rủi ro cho tương lai khi kiến thức xã hội của trẻ quá ít ỏi. Việc học tập trong môi trường tự nhiên rộng lớn cũng đồng thời đưa ra nhiều nhiệm vụ cần sự phối hợp làm việc của cả nhóm thay vì chỉ cần từng cá nhân đơn lẻ như môi trường học tập trong lớp, và kỹ năng làm việc nhóm là một kỹ năng tối quan trọng ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi mà trẻ nên nắm bắt được từ những năm tháng đầu đời.

5. Sự tự tin, khả năng diễn đạt cảm xúc bản thân: việc học tập ngoài môi trường thiên nhiên khuyến khích trẻ bước ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân, và chỉ khi bước ra khỏi đó, trẻ mới có cơ hội để khám phá những tiềm năng vốn có của mình.

Mỗi phương pháp giáo dục đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Mặc dù ủng hộ phương pháp giáo dục ngoài trời, chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng phương pháp này đặt ra rất nhiều thách thức cho đội ngũ thầy cô giáo. Tuy nhiên qua 1 thời gian dài triển khai các chương trình dựa trên phương pháp này, nhìn thấy được rất nhiều lợi ích mà phương pháp này mang lại cho trẻ, đó chính là động lực để Cánh Diều ngày càng cố gắng phát triển mô hình Lớp học ngoài trời.

#lophockhongtuong#canhdieu#learninginthewoods

Learning in the Woods288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7