Chắc nhiều ba mẹ ở đây đã từng lâm vào hoàn cảnh, trong 1 chuyến đi du lịch với bé, đang trên đường đi thì xuất hiện 1 bụi mắc cỡ ven đường, và bé cương quyết ngồi xuống đụng cho từng chiếc lá cụp xuống rồi mới chịu đứng lên đi tiếp, cho dù ba mẹ sốt ruột đến chừng nào, lịch trình đã lên sẵn nhưng chỉ cần 2 bụi mắc cỡ thôi là đủ để phá vỡ lịch trình hoàn hảo đã đề ra. Cây mắc cỡ là cô chỉ lấy ví dụ thôi, chứ trên con đường thiên lý có 1001 thứ tuy nhỏ bé bình dị nhưng lại siêu hấp dẫn trong con mắt của các bé, những thứ này hoàn toàn không có trong lịch trình của người lớn. Vậy trong trường hợp này, thường các ba mẹ xử lý làm sao?

Còn ở Cánh Diều, các thầy cô khuyến khích để bé được tự do khám phá những điều mà các bé cảm thấy cuốn hút. Cô sẵn sàng bỏ 1 điểm du lịch nổi tiếng, cực kỳ hấp dẫn và nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử….chỉ để cho bé có được nửa tiếng đồng hồ ngồi đụng vào cây mắc cỡ, và có thể nửa tiếng nữa ngồi ngắm nhìn đàn kiến tha mồi quanh gốc cây. Bởi cô hiểu, chúng ta không thể áp đặt sở thích của mình lên trẻ. Trẻ con có góc nhìn hoàn toàn khác người lớn. Những điều mà chúng ta cảm thấy nhàm chán, trẻ lại thấy hấp dẫn. Và chỉ khi trẻ cảm thấy có hứng thú, trẻ mới có khả năng tập trung cao độ, tò mò, quan sát, và đặt câu hỏi. Hãy tập cách đi chậm lại, thậm chí dừng lại và ngắm nhìn thế giới giống như trẻ, chúng ta sẽ thấy quanh mình toàn những điều kỳ diệu và chẳng có điều nào mà không đáng để chúng ta tò mò, khám phá.

Bởi vì nhu cầu, sở thích của người lớn và trẻ nhỏ khác nhau, nên ở Cánh Diều, các thầy cô đã phát triển 2 dạng hoạt động khác nhau, 1 dạng dành cho cả gia đình, và 1 dạng chỉ dành cho trẻ không có ba mẹ đi kèm. Khi trẻ đi 1 mình cùng bạn bè, thầy cô, trẻ sẽ tập trung vào việc học tập hơn cũng như tăng tương tác với bạn bè, thầy cô. Và thêm nữa, chuyến đi chỉ có trẻ sẽ được triển khai theo đúng kiểu “Lê la”. Các thầy cô vẫn luôn soạn sẵn những lịch trình tỉ mỉ đến từng chi tiết, tuy nhiên trẻ mới là người quyết định các hoạt động trong chuyến đi. Cô và trò sẽ cùng nhau đi thật chậm, dừng lại bất kỳ đâu mà trẻ cảm thấy hứng thú để khám phá, hỏi đáp tất tần tật những thắc mắc của các bạn nhỏ về những điều “bình thường” nhưng không “tầm thường” xung quanh. Lịch trình cuối cùng có thể không trọn vẹn như đề ra ban đầu, nhưng chắc chắn sẽ là 1 ngày ý nghĩa với các bạn nhỏ.

Vì các lý do trên, hiện nay, với các lớp của chuỗi Lớp học không tường, Cánh Diều không khuyến khích ba mẹ đi cùng con. Qua 1 thời gian triển khai chuỗi Lê la làng nghề nhưng vẫn chưa ra đúng chất lê la, Cánh Diều mong muốn những chuyến đi tới sẽ khác hơn, theo đúng chuyến đi được thiết kế cho trẻ, vì trẻ.

Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều ba mẹ, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn rất mong muốn được đi theo con trong lớp Lê la làng nghề. Vậy cô mong ba mẹ nếu vẫn kiên quyết đi cùng bé, thì hãy suy nghĩ thật kỹ và chấp nhận kiểu đi “lê la” của lớp học này. Còn nếu mình không đủ kiên nhẫn, và cũng chưa đủ hứng thú để lê la, ba mẹ hãy yên tâm để bé đi 1 mình với các thầy cô nhé.

Thân mến./.

Learning in the Woods
288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7

#lelalangnghe#learninginthewoods#canhdieu #lophockhongtuong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *