Nếu chỉ có nửa ngày hoặc 1 ngày rảnh rỗi, ba mẹ có thể cho bé đi đâu để vừa có thể xả hơi, vui chơi lại vừa học được nhiều điều hữu ích? Các làng nghề truyền thống ở Bình Dương, nơi chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh tầm 30 km sẽ là 1 lựa chọn rất hợp lý dành cho ba mẹ.
Bình Dương, vùng đất hiếm được nhắc đến như một điểm du lịch đặc sắc nhưng thực ra lại có rất nhiều điểm thăm thú và còn lưu giữ được nhiều giá trị tinh hoa xưa cũ. Đây chính là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử và đặc biệt là chiến khu D với trung tâm là huyện Tân Uyên. Ngoài ra, với điều kiện địa lý thuận lợi, Bình Dương sớm hình thành nên những làng nghề truyền thống như mây tre đan, sơn mài, gốm, nhang, guốc mộc,… mang đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày nay, các làng nghề truyền thống của Việt Nam đang có xu hướng dần bị mai một, những giá trị truyền thống có nguy cơ bị mất đi, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm gìn giữ những giá trị do ông cha ta để lại. Hiểu được điều này, mùa hè năm nay, Cánh Diều triển khai tổ chức chuỗi tour “Lê la Làng Nghề” nhằm giúp các bé có cơ hội được tận mắt nhìn thấy quá trình làm nên các sản phẩm truyền thống của đất nước, hiểu được các giá trị văn hoá tinh thần, các sản phẩm độc đáo đã gắn liền với các thời kỳ của dân tộc ta từ đó cùng góp sức gìn giữ và phát triển các giá trị này.
Mở đầu cho chuỗi tour “Lê la làng nghề” là một ngày khám phá làng nghề mây tre đan và làng làm heo đất dành cho các bé tham gia Trại hè đợt 4 của Cánh Diều. Khỏi phải nói các bạn nhỏ háo hức đến dường nào, khi nghe cô giáo bảo sẽ được đến 1 nơi mà các bạn có thể học được cách đan 1 chiếc túi xách mây xinh xắn rồi sau đó tới nơi mà những chú heo đất được sinh ra đời. Trước khi đến với làng mây tre đan, các bạn nhỏ còn được tranh thủ ghé chơi 1 vườn rau nhỏ, học cách trồng rau và thu hoạch.
Nền văn hóa nông nghiệp của người Nam Bộ gắn liền với các vật dụng sinh hoạt làm từ mây, tre,… mang nét đẹp bình dị, mộc mạc. Có lẽ vì thế mà ở Bình Dương đã sớm hình thành một làng nghề truyền thống về mây tre đan, chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên. Ngoài ra, những năm gần đây, trên thế giới còn rộ lên trào lưu thời trang cao cấp làm từ mây, cói….Những chiếc túi xách đắt tiền từ các hãng thời trang cao cấp trên thế giới, trông cũng không khác mấy những chiếc túi bình dị được làm ra từ vùng làng nghề xa xôi này.
Sau khi tham quan một lượt các sản phẩm của xưởng, cũng như được nghe giới thiệu sơ bộ quy trình sản xuất các sản phẩm mây tre đan, các bạn nhỏ có cơ hội được tận tay làm 1 sản phẩm hoàn chỉnh cho riêng mình. 1 sản phẩm hoàn chỉnh thực ra cần phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ lựa chọn và sơ chế nguyên liệu đầu vào thật chuẩn, chuẩn bị khung kim loại, đến đan lát thủ công, nhúng keo, phun màu, phơi sấy. Mày mò gần 1 buổi sáng, lắng nghe các cô chú nghệ nhân hướng dẫn tận tình, các bạn nhỏ cũng hoàn thành được 1 phần nhỏ của thành phẩm. Phù, mệt quá nha. Thôi mình đem về làm tiếp, không ngờ để làm ra 1 sản phẩm các cô chú lại vất vả đến vậy.
Sau khi nạp đầy năng lượng tại 1 quán bánh xèo địa phương, đoàn lại hăng hái tiến về nơi sinh ra đời những chú heo đất. Tuổi thơ có ai mà không biết bài hát này:
“Mẹ mua cho em heo đất…í o í ò
Ngày hôm nay em vui lắm
Cầm heo trên tay em ngắm… í o í ò …”
Nhớ thời còn nhỏ, cô cũng đã từng dành cả tuổi thơ để nuôi heo đất. Có nhiều nuôi nhiều, có ít nuôi ít, lâu lâu lại lắc lắc xem heo đầy được bao nhiêu rồi. Sau 1 năm, cái thời điểm đập heo là thời điểm thiêng liêng nhất, thương heo nhưng cũng đầy háo hức xem cả năm qua mình đã để dành được bao nhiêu tiền. Đếm mệt nghỉ luôn. Vậy mà cô cũng chưa từng được biết 1 con heo đất được làm ra như thế nào.
Địa điểm mà Cánh Diều lựa chọn để ghé thăm là gia đình bác Phan Văn Hiệp thuộc khu phố Khánh Lợi, phường Tân Phước Khánh, Bình Dương. Theo lời tâm sự của bác, gia đình đã theo nghề này từ nhiều năm, đây là 1 công việc khá nặng nhọc. Để làm ra 1 chú heo đất hoàn chỉnh cần nhiều giai đoạn, đầu tiên là tạo hồ từ đất sét, sau đó rót hồ vào khung thạch cao. Hồ dưới cái nhìn của các bé sóng sánh như socola. Sau 1 thời gian, phần hồ tiếp xúc gần với khuôn thạch cao bị hút nước khô lại, chúng ta rót phần hồ dư ở giữa khuôn chưa đông ra ngoài. Tùy vào độ dày của vỏ heo đất, người thợ có thể phải thực hiện thao tác đổ hồ vào khuôn và rót hồ dư ra lần nữa. Sau khi vỏ heo đất khô, người thợ cho tháo khuôn. Với đôi bàn tay thành thạo, người thợ nhẹ nhàng nhanh nhẹn gọt tỉa những phần đất thừa cho heo được đẹp. Heo sau đó được khoét lỗ tiền, phơi khô dưới nắng rồi đem vào lò nung. Công đoạn cuối là sơn màu, chà bóng, điểm trang cho chú heo thật xinh đẹp trước khi đến được tay chủ nhân mới.
Các bạn nhỏ được ông Hiệp tin tưởng cho tự tay thực hiện công đoạn rót hồ, gọt tỉa, sau đó đến phần các bạn thích nhất chính là sơn heo. Heo của các bạn không chỉ có hoa đâu thôi nhé, còn có hình siêu nhân, người nhện… Tranh thủ ít đất sét thừa nơi góc xưởng, các bạn nhỏ lấy nặn biết bao thứ thú vị và cũng …kinh dị, như là nặn 1 ngón tay, chắc có lẽ để dành cho dịp Halloween của trường.
Xe trở về trường với 1 đàn heo đất cả heo mẹ và heo con. 1 ngày thật rộn ràng và thú vị. Tiến về Sài Gòn nào các bạn nhỏ ơiiiii…
Thân mến.
Lớp học không tường
288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7